(Sotay365.com) – Ngày 27/12/2012 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 3560/QĐ-BKHCN về việc ban hành 23 Tiêu chuẩn Quốc gia, trong đó bao gồm “TCVN 9376:2012 – Nhà ở lắp ghép tấm lớn – Thi công và nghiệm thu công tác lắp ghép”.
TCVN 9376:2012 được chuyển đổi từ 20 TCN 147:1986 thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Nguyên tắc chung:
3.1. Công nghệ lắp ghép nhà ở tấm lớn phải theo đúng bản vẽ thiết kế, thiết kế biện pháp xây lắp, những yêu cầu của TCVN 5308:1991 và những yêu cầu của tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu về công nghệ lắp ghép tham khảo theo chương 14 của 20TCN28-66
3.2. Trước khi lắp ghép nhà ở tấm lớn, trong giai đoạn chuẩn bị phải lập thiết kế tổ chức công trường, trong giai đoạn xây lắp phải lập thiết kế biện pháp xây lắp.
CHÚ THÍCH: Khi lập thiết kế tổ chức công trường và thiết kế biện pháp xây lắp tham khảo theo yêu cầu của 20 TCN 107-83.
3.3. Trong giai đoạn thiết kế biện pháp xây lắp phải đảm bảo mục tiêu áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đưa nhanh công trình vào sử dụng với chi phí ít, chất lượng cao và đảm bảo an toàn.
3.4. Khi trình duyệt thiết kế biện pháp xây lắp đơn vị thi công phải có các tài liệu:
a) Phương pháp tổ chức thi công và việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công nghệ lắp ghép tấm lớn;
b) Tổng tiến độ thi công;
c) Tổng mặt bằng thi công, trong đó phải chỉ rõ vị trí nhà lắp ghép, các công trình tạm, bãi tập kết cấu kiện, vị trí đường cần trục, đường vận chuyển nội bộ hệ thống điện và nước phục vụ thi công;
d) Biểu đồ cung cấp cấu kiện, vật liệu và xe máy;
e) Bảng tổng hợp khối lượng vật tư, xe máy;
g) Thuyết minh các phương án kỹ thuật đã chọn, nêu rõ lý do và cơ sở so sánh hiệu quả kinh tế – kỹ thuật.
3.5. Khi lập thiết kế biện pháp xây lắp cho giai đoạn lắp ghép cấu kiện cần xác định cụ thể những yêu cầu kỹ thuật sau đây:
a) Chọn phương pháp trắc đạc phù hợp với yêu cầu kỹ thuật lắp ghép;
b) Xác định phương pháp công nghệ hợp lý cho quá trình lắp ghép cấu kiện;
c) Trình tự lắp ghép cấu kiện trên mặt bằng;
d) Biện pháp liên kết tạm thời các cấu kiện;
e) Trình tự hàn, liên kết mối nối và các biện pháp chống gỉ, chống ăn mòn cho thép chờ và các chi tiết đặt sẵn;
g) Trình tự kiểm tra và nghiệm thu các khâu kỹ thuật trong giai đoạn lắp ghép;
h) Các biện pháp kỹ thuật an toàn.
3.6. Việc tiến hành lắp ghép công trình chỉ cho phép sau khi đã nghiệm thu móng theo 8.2 và các công tác chuẩn bị đã được thực hiện phù hợp với những yêu cầu qui định trong thiết kế biện pháp xây lắp.
3.7. Nhà ở lắp ghép tấm lớn nên tổ chức thi công theo phương pháp dây chuyền, từng bước áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong công tác vận chuyển, xếp dỡ và lắp ghép cấu kiện, đồng thời tổ chức sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị và dụng cụ gá lắp để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
3.8. Công tác tổ chức kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra an toàn và nghiệm thu chất lượng công trình được tiến hành song song với quá trình lắp ghép cấu kiện.
3.9. Công tác lắp ghép nhà ở tấm lớn cần được tiến hành dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của những cán bộ có trình độ chuyên môn. Công nhân lắp ghép và công nhân hàn phải được đào tạo qua các lớp chuyên ngành.
3.10. Nhà ở lắp ghép tấm lớn được xây dựng tại những vùng có hiện tượng động đất hoặc trên các vùng đồi núi dốc, các vùng đất sụt lở, vùng đất đang khai thác và trong những điều kiện địa chất phức tạp phải thực hiện theo những qui định riêng.
Trong những trường hợp đặc biệt phải lập hội đồng khoa học để xét duyệt các phương án thi công thích hợp nhằm đảm bảo an toàn và phù hợp với những điều kiện đặc biệt của từng vùng.
>> Tải toàn bộ TCVN 9376:2012 tại đây./.