Quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ gồm có quản lý công tác thiết kế, giám sát thi công xây dựng, thẩm tra thiết kế, thi công xây dựng.
Căn cứ Điều 9 của Nghị định 06/2021 của Chính phủ quy định như sau:
Điều 9. Quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ
1. Việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh.
2. Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân:
a) Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không có tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân dưới 7 tầng hoặc có 01 tầng hầm, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện;
c) Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 02 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
3. Quản lý thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân:
a) Chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn trong thi công xây dựng công trình. Khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức giám sát thi công xây dựng, lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở riêng lẻ theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm c khoản 2 Điều này việc thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện.
4. Nội dung giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân:
a) Biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà ở và các công trình liền kề, lân cận;
b) Chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị trước khi đưa vào thi công xây dựng;
c) Hệ thống giàn giáo, kết cấu chống đỡ tạm và các máy móc, thiết bị phục vụ thi công;
d) Biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
5. Ngoài những quy định tại Điều này, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng trong trường hợp nhà ở riêng lẻ thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình.
Căn cứ Điều 9 của Thông tư 10/2021 của Bộ Xây dựng quy định như sau:
1. Việc thiết kế xây dựng, thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và quy định khác có liên quan được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Các tổ chức thực hiện việc thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định tại các điểm b, c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP phải có năng lực phù hợp với cấp công trình theo quy định tại Thông tư quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
3. Nhà ở riêng lẻ phải được cấp giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 (sau đây gọi là Luật số 50/2014/QH13) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật số 62/2020/QH14). Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định tại Điều 93 Luật số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 32 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
4. Việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc dự án đầu tư xây dựng, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác (ví dụ: thương mại, dịch vụ, …) phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.
5. Trường hợp chủ nhà chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ nhà ở riêng lẻ:
a) Nếu việc chuyển đổi công năng sử dụng kèm theo việc sửa chữa, cải tạo công trình không thuộc trường hợp được miễn giấy phép quy định tại điểm d khoản 2 Điều 89 Luật số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 thì chủ nhà phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật. Việc thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình trong trường hợp này phải tuân thủ quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và phù hợp với công năng mới của công trình;
b) Nếu việc chuyển đổi công năng sử dụng không kèm theo việc sửa chữa, cải tạo thì chủ nhà vẫn phải thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ, pháp luật về môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có).