Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam TCVN 4417:1987 về Quy trình lập sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng.
Nguyên tắc chung
1. Quy trình lập sơ đồ và đồ án xây dựng vùng nhằm phục vụ cho công tác quản lý và thiết kế xây dựng các vùng trong phạm vi lãnh thổ trong cả nước ở bước đi ban đầu của thời kì đầu quá độ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
2. Ngoài những điều được quy định trong tiêu chuẩn này, phải tuân theo những quy định của các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.
3. Việc lập sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng phải dựa trên cơ sở xây dựng tổng hợp và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các cơ sở của vùng, nhằm tổ chức hợp lí các mặt kinh tế, xã hội: đảm bảo những điều kiện tối ưu để phân bố dân, xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường.
4. Các đối tượng chính lập sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm:
4.1. Vùng quy hoạch xây dựng huyện (vùng huyện).
Quy mô và ranh giới của vùng được xác định theo quy mô và ranh giới hành chính của các huyện.
4.2. Vùng quy hoạch xây dựng tỉnh (vùng tỉnh), vùng quy hoạch xây dựng các thành phố lớn (vùng ảnh hưởng của các thành phố) và đặc khu (vùng đặc khu) trực thuộc Trung ương.
Quy mô và ranh giới của vùng được xác định theo quy mô và ranh giới hành chính các tỉnh, các thành phố lớn và đặc khu (trực thuộc Trung ương).
4.3. Các phức hợp sản xuất – lãnh thổ là vùng quy hoạch được hình thành trên một phạm vi lãnh thổ do kết quả của quá trình chuyên môn hóa sản xuất và phát triển kinh tế tổng hợp hợp lí. Do đó ngoài chức năng chính trong vùng còn có nhiều chức năng tổng hợp; vùng công nông nghiệp, vùng công nghiệp – khai khoáng, vùng nghỉ ngơi – du lịch các cụm đô thị…
5. Các cơ sở để lập sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm:
5.1. Các cơ sở pháp lí bao gồm có:
– Các nghị quyết của đảng về chủ trương và nhiệm vụ chiến lược phát triển nền kinh tế quốc dân;
– Các thông tư, chỉ thị, quy phạm và tiêu chuẩn của nhà nước hoặc các ngành các cấp;
– Hợp đồng thiết kế của bên đặt hàng.
5.2. Cơ sở thiết kế gồm có:
– Các cơ sở phát triển, phân bố các ngành kinh tế và lực lượng sản xuất của vùng;
– Các luận chứng kinh tế – kĩ thuật của các công trình sản xuất và dân dụng xây dựng trong vùng;
– Các kết quả nghiên cứu khoa học, các thông tin về tiến độ khoa học, kĩ thuật có liên quan đến từng vấn đề phát triển của vùng;
– Các bản đồ và tài liệu điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tình hình hiện trạng về kinh tế, dân số, xã hội, kĩ thuật và ô nhiễm môi trường.
6. Các sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng được lập cho hai giai đoạn cơ bản:
6.1. Quy hoạch xây dựng dài hạn từ 20 đến 30 năm (sau khi kết thúc công việc nghiên cứu).
6.2. Quy hoạch xây dựng ngắn hạn từ 5 đến 10 năm (sau khi kết thúc công việc nghiên cứu).
Xem chi tiết TCVN 4417:1987 tại đây.