Hướng dẫn xác định độ sụt bê tông?

By | August 27, 2024

(Sotay365.com) – Tiêu chuẩn Việt Nam hướng dẫn xác định độ sụt bê tông hiện nay? Quy định phương pháp xác định độ sụt bê tông?

Ngày 02/11/2022, Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 2142/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 3106:2022: Hỗn hợp bê tông – Phương pháp xác định độ sụt” thay thế cho TCVN 3106:1993.

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ sụt của hỗn hợp bê tông dẻo.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho hỗn hợp bê tông thông thường, bê tông hạt nhỏ, bê tông nhẹ. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho hỗn hợp bê tông hốc rỗng, bê tông tổ ong, bê tông polystyren, bê tông tự lèn.

Tiêu chuẩn này có hiệu lực từ ngày 02/11/202.

Tải file word TCVN 3106:2022

Mục lục

Lời nói đầu

1 Phạm vi áp dụng

2 Tài liệu viện dẫn

3 Thiết bị, dụng cụ

4 Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử

5 Cách tiến hành

6 Biểu thị kết quả

7 Báo cáo thử nghiệm

Ví dụ: Đo độ sụt bê tông M250 đá 1×2, độ sụt yêu cầu 12±2, bê tông thương phẩm, kiểm tra tại công trình.

Chuẩn bị: Côn (N1), tấm nền, bay, phễu, thanh đầm,  thước đo, đồng hồ, giẻ lau, xe rùa, mẫu thử (chi tiết xem mục 3 & 4 TC trên).

Thực hiện:

Bước 1: Dùng giẻ ẩm lau mặt trong của côn và các dụng cụ khác sẽ tiếp xúc với hỗn hợp bê tông trong quá trình xác định độ sụt. Đặt côn lên tấm nền. Côn phải được giữ cố định trong cả quá trình đổ và đầm hỗn hợp bê tông trong côn bằng chi tiết giữ cố định côn hoặc tì chân lên gối đặt chân.

Bước 2: Đổ và làm chặt hỗn hợp bê tông trong côn.

Đo lần 1:

  1. Đổ hỗn hợp bê tông qua phễu vào côn làm ba lớp, mỗi lớp chiếm khoảng một phần ba chiều cao của côn. Sau khi đổ mỗi lớp, dùng thanh đầm chọc đều trên toàn bề mặt hỗn hợp bê tông từ ngoài vào trong theo đường xoáy trôn ốc, mỗi lớp chọc 25 lần. Khi đổ và chọc lớp trên cùng cần đảm bảo hỗn hợp bê tông luôn cao hơn miệng côn.
  2. Sau khi làm chặt hỗn hợp bê tông trong côn, nhấc phễu ra, cắt phần hỗn hợp bê tông thừa, lấy bay gạt phẳng miệng côn và làm sạch xung quanh đáy côn. Dùng tay ghì chặt côn xuống tấm nền và nhả chi tiết giữ cố định côn (hoặc bỏ chân ra khỏi gối đặt chân). Từ từ nhấc côn thẳng đứng trong khoảng thời gian từ 5s đến 10s.
  3. Đặt đứng côn sang bên cạnh khối hỗn hợp bê tông. Xác định độ sụt của mẫu bằng cách đo chênh lệch chiều cao giữa miệng côn với điểm cao nhất của khối hỗn hợp bê tông với độ chính xác tới 5mm.

Đo lần 2: (Thực hiện tương tự như lần 1)

Lưu ý:

  1. Thời gian thí nghiệm tính từ lúc bắt đầu đổ hỗn hợp bê tông vào côn cho tới thời điểm nhấc côn khỏi khối hỗn hợp bê tông không quá 3 min.
  2. Tổng thời gian xác định độ sụt của các lượt thí nghiệm cho cùng một mẫu hỗn hợp bê tông không quá 10 min tính từ thời điểm bắt đầu đổ hỗn hợp bê tông vào côn lần thứ nhất cho tới thời điểm nhấc côn khỏi khối hỗn hợp bê tông lần cuối cùng.

Bước 3: Ghi nhận kết quả đo và báo cáo thử nghiệm (chi tiết xem mục 6 & 7 TC trên)

  1. Độ sụt của hỗn hợp bê tông được tính bằng trung bình cộng kết quả hai lần đo, làm tròn đến 10 mm nếu chênh lệch giá trị hai lần đo nhỏ hơn 20 mm với độ sụt hỗn hợp từ 100mm đến 150mm.
  2. Nếu chênh lệch giữa hai lần đo vượt quá quy định trên thì phải lấy mẫu hỗn hợp bê tông khác theo Điều 5, TCVN 3105:2022 và thí nghiệm lại từ đầu.
  3. Nếu 2 lần thí nghiệm liên tiếp đều bị vỡ, sạt thì hỗn hợp bê tông đó được xem là không đủ độ dẻo, độ dính kết cần thiết để thí nghiệm độ sụt hoặc cần kiểm tra lại quá trình thí nghiệm.
  4. Báo cáo thử nghiệm.

Trên đây là quy đình đô độ sụt cho ví dụ trên. Các cấp phối bê tông có độ sụt yêu cầu và cốt liệu khác thì các bạn cần đọc các hướng dẫn chi tiết trong TCVN 3106:2022./.