Định mức chi phí thiết kế công trình dân dụng

By | April 18, 2023

Chi phí thiết kế là một trong những thành phần chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình. Tùy thuộc vào quy mô và tính chất của từng dự án, Chủ đầu tư quyết định áp dụng thiết kế 2 bước hay thiết kế 3 bước. Định mức chi phí thiết kế công trình dân dụng được xác định theo Phụ lục VIII của Thông tư 12/2021/TT-BXD.

Định mức chi phí thiết kế công trình dân dụng 2 bước hoặc 3 bước

Định mức chi phí thiết kế công trình dân dụng

  • Căn cứ Luật xây dựng năm 2014 và Luật xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020;
  • Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
  • Căn cứ Thông tư 11/2021/TT-BXD về một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
  • Căn cứ Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng.

ĐỊNH MỨC CHI PHÍ THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG

3. Hướng dẫn áp dụng định mức chi phí thiết kế xây dựng

3.1. Chi phí thiết kế xây dựng xác định theo định mức ban hành tại Thông tư này để hoàn thành các công việc thiết kế gồm: Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, lập dự toán xây dựng, lập chỉ dẫn kỹ thuật, lập quy trình bảo trì công trình, giám sát tác giả và mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

3.2. Chi phí thiết kế xây dựng xác định theo định mức chi phí tỷ lệ phần trăm (%) (ban hành từ bảng 2.4 đến bảng 2.13 kèm theo Thông tư này) nhân với chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) của từng công trình (tương ứng với loại, cấp công trình) trong tổng mức đầu tư được duyệt hoặc của từng gói thầu xây dựng trong trường hợp dự án, công trình được người quyết định đầu tư cho phép triển khai thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở theo từng gói thầu xây dựng.

3.3. Chi phí thiết kế xây dựng xác định theo công thức sau:

Ctk = Cxd * Nt * (k1 * k1 * …*kn)      (2)

Trong đó:

– Ctk: Chi phí thiết kế xây dựng; đơn vị tính: giá trị;

– Cxd: Chi phí xây dựng tương ứng với loại, cấp của từng công trình trong tổng mức đầu tư được duyệt; đơn vị tính: giá trị;

– Nt: Định mức chi phí thiết kế ban hành tại Thông tư này; đơn vị tính: tỷ lệ %;

– ki: Hệ số điều chỉnh định mức chi phí thiết kế;

– n: Các hệ số điều chỉnh.

3.4. Chi phí thiết kế xây dựng tính theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) ban hành tại Thông tư này đã bao gồm chi phí lập dự toán xây dựng, chi phí lập dự toán xây dựng chiếm khoảng 12% của chi phí thiết kế xây dựng.

3.5. Định mức chi phí thiết kế xây dựng điều chỉnh trong các trường hợp sau:

a) Công trình sửa chữa hoặc công trình cải tạo hoặc công trình nâng cấp hoặc công trình mở rộng:

– Thiết kế sửa chữa hoặc cải tạo hoặc nâng cấp:

+ Trường hợp thiết kế không thay đổi kết cấu chịu lực của công trình: k = 1,1;

+ Trường hợp thiết kế có thay đổi kết cấu chịu lực (không gồm móng công trình) của công trình hoặc thiết kế cải tạo, nâng cấp dây chuyền công nghệ, bổ sung thiết bị: k = 1,2;

+ Trường hợp thiết kế có thay đổi kết cấu chịu lực và móng công trình hoặc hạng mục công trình: k =1,3;

– Thiết kế mở rộng có tính toán kết nối với dây chuyền công nghệ của công trình hiện có: k = 1,15.

b) Thiết kế xây dựng công trình xây dựng trên biển, công trình ngoài hải đảo, thiết kế dây chuyền công nghệ có hệ thống điều khiển tự động hóa SCADA (System Control and Data Acquisition), DCS (Distributed Control System): k = 1,15.

c) Trường hợp sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan có thẩm quyền ban hành; thiết kế công trình lặp lại trong một cụm công trình hoặc trong một dự án hoặc sử dụng lại thiết kế, chi phí thiết kế xác định theo công thức sau:

Ctk = Cxd x Nt x (0,9 x k + 0,1)      (3)

Trong đó:

– Cxd: Chi phí xây dựng tương ứng với loại, cấp của từng công trình trong tổng mức đầu tư được duyệt; đơn vị tính: giá trị;

– Nt: Định mức chi phí thiết kế ban hành tại Thông tư này; đơn vị tính: tỷ lệ %;

– k: Hệ số điều chỉnh giảm định mức chi phí thiết kế do:

+ Sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình: Công trình thứ nhất: k = 0,36; công trình thứ hai trở đi: k = 0,18;

+ Thiết kế công trình lặp lại trong một cụm công trình hoặc trong một dự án hoặc sử dụng lại thiết kế: Công trình thứ nhất: k = 1 (không điều chỉnh); công trình thứ hai: k = 0,36; công trình thứ ba trở đi: k = 0,18;

– 0,1: Chi phí giám sát tác giả (10%).

3.6. Khi đã áp dụng hệ số điều chỉnh định mức thiết kế sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình tại khoản 3.11 đến khoản 3.15 thì không áp dụng hệ số điều chỉnh định mức sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3.5 nêu trên.

3.7. Khi cần phải thiết kế riêng phần san nền của dự án khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị mới thì chi phí thiết kế san nền của các dự án nêu trên tính bằng 40% định mức chi phí thiết kế công trình giao thông cấp IV.

3.8. Trường hợp áp dụng hình thức tổng thầu thiết kế thì chi phí quản lý của tổng thầu thiết kế được trích từ chi phí thiết kế của các nhà thầu phụ trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.

3.9. Định mức chi phí thiết kế xây dựng chưa gồm chi phí để thực hiện các công việc sau:

a) Khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế;

b) Đưa tim, mốc thiết kế công trình ra thực địa;

c) Đo đạc, đánh giá hiện trạng công trình phục vụ thiết kế sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng;

d) Thiết kế di dời; thiết kế biện pháp phá dỡ công trình;

đ) Thiết kế chế tạo thiết bị (trừ thiết kế thiết bị cơ khí ban hành tại bảng TL1 kèm theo Thông tư này);

e) Thiết kế hệ thống điều khiển thông minh của tòa nhà;

f) Thiết kế nội thất;

g) Lựa chọn phương án tiết kiệm năng lượng đối với thiết kế xây dựng công trình;

h) Làm mô hình hoặc thí nghiệm mô hình thủy lực công trình;

i) Mô tả địa chất trong quá trình xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi;

k) Lập báo cáo tác động môi trường, lập cam kết bảo vệ môi trường;

l) Lập báo cáo đánh giá động đất công trình (theo yêu cầu phải lập báo cáo riêng);

m) Lập các báo cáo, hồ sơ thỏa thuận chuyên ngành theo yêu cầu của chủ đầu tư (nếu có);

n) Mua bản quyền thiết kế.

Chi phí để thực hiện các công việc nêu trên xác định theo các văn bản hướng dẫn tương ứng hoặc xác định bằng lập dự toán chi phí.

3.10. Chi phí thiết kế xây dựng điều chỉnh, chi phí lập dự toán xây dựng điều chỉnh xác định bằng dự toán chi phí theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.

3.11. Định mức chi phí thiết kế công trình dân dụng

a) Bảng định mức:

Bảng 2.4: Định mức chi phí thiết kế kỹ thuật của công trình dân dụng có yêu cầu thiết kế 3 bước

Định mức thiết kế công trình dân dụng 3 bước

Bảng 2.5: Định mức chi phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình dân dụng có yêu cầu thiết kế 2 bước

Định mức thiết kế công trình dân dụng 2 bước

b) Một số quy định khi áp dụng định mức chi phí thiết kế công trình dân dụng:

– Chi phí thiết kế xây dựng công trình dân dụng có yêu cầu thiết kế 3 bước là tổng chi phí thiết kế kỹ thuật và chi phí thiết kế bản vẽ thi công; trong đó, chi phí thiết kế kỹ thuật xác định theo định mức ban hành tại bảng 2.4 kèm theo Thông tư này, chi phí thiết kế bản vẽ thi công xác định bằng 55% theo định mức ban hành tại bảng 2.4 kèm theo Thông tư này;

– Chi phí thiết kế bản vẽ thi công công trình dân dụng có yêu cầu thiết kế 2 bước xác định theo định mức ban hành tại bảng 2.5 kèm theo Thông tư này;

– Định mức chi phí thiết kế của một số công trình dân dụng điều chỉnh với hệ số k = 1,2 gồm: Sân vận động quốc gia, sân thi đấu quốc gia; nhà thi đấu thể thao quốc gia; Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày quốc gia; Trụ sở làm việc của các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương và cấp hành chính tương đương;

– Trường hợp công trình dân dụng có chi phí thiết bị công trình ≥ 50% tổng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị trong dự toán công trình thì chi phí thiết kế công trình dân dụng này xác định bằng cặp trị số định mức tỷ lệ phần trăm (%) theo chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) ban hành tại bảng 2.4 hoặc bảng 2.5 và bảng DD1 kèm theo Thông tư này.