Nguyên nhân gạch ốp lát bị bộp là do quá trình thi công không đúng theo quy trình kỹ thuật, cụ thể như sau:
- Trước lúc ốp lát, gạch không được ngâm nước. Do đó, khi ốp lát gạch sẽ hút lượng nước trong vữa xi măng, lúc này vữa xi măng không đủ nước để thủy hóa và làm giảm thể tích vữa xi măng. Tuy nhiên vấn đề là ngâm nước như thế nào thì mới đủ. Nếu như chúng ta ngâm gạch quá lâu thì quá trình thi công sẽ gặp khó khoăn đối với gạch ốp tường. Thông thường chúng ta chỉ cần ngâm cho tới khi nào anh chị quan sát thấy gạch không còn xì bọt bong bóng nữa thì lấy ra để ráo nước. Trong quá trình ngâm nước chú ý cẩn thận rất dễ mẻ cạnh.
- Lớp vữa xi măng không đều. Do đó, nó sẽ tạo khoảng không bên dưới viên gạch.
- Lớp vữa cán nền đối với sàn, lớp vữa tô đối với tường không được tưới ẩm trước khi ốp lát. Nếu để những lớp vữa này khô thì khi ốp lát viên gạch lên nó sẽ hút đi một lượng nước trong vữa xi măng làm cho vữa xi măng không đủ nước để thủy hóa và làm giảm đi thể tích vữa khi đóng rắn.
- Khi lớp vữa xi măng chưa đóng răn thì không nên đi hoặc qua chạm mạnh tới mặt sàn sẽ làm giảm liên kết giữa gạch, lớp vữa xi măng và lớp vữa cán nền.
- Ốp lát gạch khi lớp vữa cán nền hay lớp vữa tô chưa đóng rắn. Bởi vì trong quá trình đóng rắn luôn xảy ra hiện tượng co ngót. Do đó, nếu lớp vữa này chưa đóng răn mà chúng ta ốp lát gạch ngay thì khi xảy ra hiện tượng co ngót sẽ làm giảm thể tích vữa này dẫn đến gạch bị bộp.
Trên đây là một số vấn đề dẫn đến gạch bị bộp khi ốp lát sửa chữa hoặc xây mới nhà ở. Anh chị chủ đầu tư nên chú ý để nhắc nhở giám sát nhà thầu trong quá trình thi công hoàn thiện. Nên nhớ nếu như một viên gạch bị bộp khi đập ra thay viên gạch khác sẽ ảnh hưởng đến bốn viên gạch xung quanh đồng thời làm tăng chi phí xây dựng.