Khi nói đến bản vẽ hoàn công thì các bạn cần nghĩ đến các vấn đề sau: Bản vẽ hoàn công là gì? Bên nào có trách nhiệm làm bản vẽ hoàn công? Lập bản vẽ hoàn công như thế nào? Dấu bản vẽ hoàn công như thế nào?
Bản vẽ hoàn công là gì?
“Bản vẽ hoàn công là bản vẽ công trình xây dựng hoàn thành, trong đó thể hiện vị trí, kích thước, vật liệu và thiết bị được sử dụng thực tế.” (theo điều 3.3 nghị định số 46/2015/NĐ-CP).
Bên nào có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công?
1. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành do mình thi công. Riêng các bộ phận công trình bị che khuất phải được lập bản vẽ hoàn công hoặc được đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành công việc tiếp theo.
2. Đối với trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên trong liên danh có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công phần việc do mình thực hiện, không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện.
-> Nhà thầu có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công (theo điều 11.1 và điều 11.2 thông tư số 26/2016/TT-BXD).
Lập bản vẽ hoàn công như thế nào?
Theo phụ lục II.1.a và b thông tư số 26/2016/TT-BXD như sau:
a) Trường hợp các kích thước, thông số thực tế của hạng mục công trình, công trình xây dựng không vượt quá sai số cho phép so với kích thước, thông số thiết kế thì bản vẽ thi công được chụp (photocopy) lại và được các bên liên quan đóng dấu, ký xác nhận lên bản vẽ để làm bản vẽ hoàn công. Nếu các kích thước, thông số thực tế thi công có thay đổi so với kích thước, thông số của thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt thì cho phép nhà thầu thi công xây dựng ghi lại các trị số kích thước, thông số thực tế trong ngoặc đơn bên cạnh hoặc bên dưới các trị số kích thước, thông số cũ trong tờ bản vẽ này;
b) Trong trường hợp cần thiết, nhà thầu thi công xây dựng có thể vẽ lại bản vẽ hoàn công mới, có khung tên bản vẽ hoàn công tương tự như mẫu dấu bản vẽ hoàn công quy định tại Phụ lục này.
Dấu bản vẽ hoàn công như thế nào?
Theo phụ lục II.2 thông tư số 26/2016/TT-BXD như sau:
Nội dung của bài viết này được trích dẫn từ nghị định số 46/2015/NĐ-CP và thông tư số 26/2016/TT-BXD. Do vậy khi áp các bạn cần lưu ý thời gian có hiệu lực của văn bản trên. Nếu hết hiệu lực thì các bạn phải tìm văn bản thay thế.
Về vấn đề này, tôi có một thắc mắc như sau:
Các bạn nhìn thấy trong mẫu dấu hoàn công các bên liên quan chỉ yêu cầu ghi rõ họ tên và chữ ký. Trong hướng dẫn lập bản vẽ hoàn công có ” … và được các bên liên quan đóng dấu,…”. Như vậy dấu pháp nhân của các bên liên quan đóng ở đâu trên bản vẽ hoàn công?
Tôi có hỏi vấn đề này với một đơn vị tư vấn giám sát cũng có tên tuổi trong nghành xây dựng. Họ cho ý kiến là đóng ở trang bìa của bộ bản vẽ hoàn công.
Các bạn nào hiểu rõ về vấn đề này có thể cho ý kiến comment bên dưới để có thể chia sẻ cho mọi người cùng nắm rõ vấn đề trên.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết chia sẻ của tôi. Chúc các bạn sức khỏe và thành công trong công việc.